$ 0.00

Vì sao nguời ta không áp dụng công nghệ điện lạnh cho tản nhiệt PC?

 


Anh em có bao giờ tự hỏi vì sao người ta không ứng dụng công nghệ điện lạnh để làm bộ tản nhiệt cho PC không? Đó sẽ là một bộ tản nhiệt có thể hạ nhiệt độ CPU xuống mức thấp hơn cả nhiệt độ môi trường, thậm chí là âm hàng chục độ C để ép xung hạng nặng mà không cần đến những thứ quá lằng nhằng rắc rối nư Nitơ lỏng. Nghe thật thú vị đúng không nào?

Thật ra đã có một số sản phẩm dạng này ra đời rồi. Điển hình là bộ tản nhiệt Cryo-z của OCZ, được ra mắt từ khoảng mười mấy năm về trước. Con tản này to như cái máy hàn có thể hạ được nhiệt độ của CPU đến mức -55 độ C để các dân chơi ép xung tha hồ mà quẩy. Nó nặng đến 26 kg và bắt buộc bạn phải mở case để dùng chứ không thể nhét vừa vào case. Một số Overclocker cũng đã chế cháo được những bộ tản như vậy từ máy của tủ lạnh, tủ đông rồi.

Tuy nhiên đến nay thì những bộ tản nhiệt như thế này vẫn chưa được phổ biến. Nhiều anh em ở đây còn không biết là nó có tồn tại nữa kìa. Sau đây là những lý do cho việc vì sao người ta lại (gần như) không làm tản nhiệt công nghệ điện lạnh cho PC.

Cồng kềnh

Một bộ tản nhiệt điện lạnh cần phải có các bộ phận như dàn nóng, quạt dàn nóng, bình gas, máy nén… Chẳng có cách nào để bạn thu nhỏ một thứ phức tạp như vậy lại thành một thiết bị gọn nhẹ như tản AIO cả. Anh em cứ tưởng tượng bây giờ mình làm nhét một cục máy nén to như trái dưa hấu vào cái case đi rồi sẽ hiểu. Cho dù cục máy nén đó có được thu nhỏ lại hơn nữa và nhét vừa thì cũng sẽ có vấn đề với các bộ phận khác.


Đến đây thì chắc nhiều anh em sẽ nghĩ là “tại sao không làm thành dạng module như kiểu của tản nhiệt nước custom?”. Cái này thì nghe có lý đấy, việc chia nhỏ các bộ phận ra thành dạng module sẽ cho người modder có không gian để chế cháo, tối ưu để phù hợp cho từng mẫu case. Tuy nhiên nó vẫn còn 2 vấn đề khác:

Độ kín: Gas làm lạnh phải được nén với áp suất cao. Nếu bộ tản được thi công thủ công như tản nước custom thì độ kín sẽ khó mà đảm bảo được.

Sự ngưng tụ: Một bề mặt lạnh trong không khí ấm hơn sẽ dễ dàng khiến cho nước trong không khí ngưng tụ trên đó. Các đường ống và block tản nhiệt nếu không được cách nhiệt cực kỳ tốt sẽ rất dễ bị đọng sương, khiến nó nhỏ giọt lên linh kiện. Mà nước rớt vào linh kiện thì anh em biết rồi đấy.

Và cho dù có giải quyết được 2 vấn đề nho nhỏ bên trên thì chúng ta vẫn còn kha khá các vấn đề to bự tiếp theo.

Khó bảo dưỡng

Ví dụ như anh em xài tản khí thì dễ lắm. Cái phần heatsink (cụm ống đồng, lá tản, mặt áp CPU) gần như chẳng bao giờ hư hỏng trừ khi anh em làm nó rớt đập mặt xuống đất. Có hỏng thì chỉ hỏng quạt thôi, mà hỏng quạt thì mua quạt mới gắn vào là xong. Bị dơ, đóng bụi, ra ten thì cũng chỉ cần lau chùi đơn giản là xong. Đó là cái hay của tản khí. Tản AIO cũng vậy. Đối với đồ của các hãng tản nhiệt lớn thì anh em cứ vô tư mà xài, lâu lâu thấy rad đóng bụi lại lôi ra phủi chút đỉnh. Và xài đến khi hết bảo hành thì thôi.

Tuy nhiên nếu anh em mà xài tản nhiệt điện lạnh thì sẽ khác. Do cấu tạo phức tạp của nó nên người dùng phổ thống sẽ khó lòng mà tự xử lý được dù là những sự cố nhỏ nhất. Nếu có chuyện xảy ra thì anh em sẽ phải đi gọi thợ giống như người ta gọi thợ sửa máy lạnh, tủ lạnh vậy. Tản nước custom tuy cũng có sự phiền phức tương tự, phải bảo trì định kỳ và không được tự động tay nhưng những gì mà nó đem lại là đáng để người ta đánh đổi.

Thiếu thẩm mỹ


Đối với tản AIO, và tản khí thì bạn sẽ có đèn đóm LED lủng các kiểu. Đối với tản nước custom thì bạn sẽ có những đường nước ảo diệu, blog RGB, tank nước hay ho xịn sò… Đối với tản nhiệt điện lạnh thì bạn sẽ không thể làm nhiều trò như thế được. Đường ống gas của nó thì phải bọc cách nhiệt siêu dày, máy nén thì cứ ù lì như một trái thủy lôi, sự cồng kềnh của nó cũng sẽ khiến nó trở nên lạc quẻ bất kể khi đi chung với dàn PC nào.

Ăn điện

Anh em nhà có máy lạnh thì chắc cũng biết nó ăn điện cỡ nào rồi chứ nhỉ? Cái này thì mình không nghĩ có ăn điện đến cái tầm như máy lạnh, tủ đông đâu nhưng mà chắc chắn vẫn sẽ khá đáng kể đấy. Nhiều khi là bản thân cái tản còn ăn điện hơn cả dàn PC của bạn nữa kìa.

Không mang lại nhiều giá trị thiết thực

Thật ra với như cầu sử dụng bình thường thì sẽ chẳng ai cần một cái tản nhiệt như vậy cả. Các CPU về bản chất được thiết kế ra là để làm việc ổn định, lâu dài với các bộ tản thông thường. Việc hạ nhiệt độ của nó xuống thấp hơn cả nhiệt độ môi trường nghe thì hay nhưng thật ra cũng không cần thiết lắm với người dùng phổ thông. Nó chỉ có ích khi anh em ép xung CPU, mà ép xung thì cần rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm chứ không phải cứ hạ nhiệt xuống thật thấp là ép được. Hiệu năng thì tăng ít trong khi rắc rối thì quá nhiều. Đó là còn chưa kể đến chuyện giảm nhiệt như vậy sẽ làm giảm tuổi thọ của CPU.

Ít người mua

Một bộ tản nhiệt điện lạnh có khả năng hạ nhiệt CPU xuống mức cực thấp thật ra chỉ cần thiết đối với những ai thực sự đam mê ép xung mà thôi, chủ yếu là để lấy số ra thẩm và đọ nhau mà thôi. Chỉ những người như vậy mới cần và mua nó. Còn người bình thường như chúng ta thì cũng chẳng cần chơi đến đó làm gì cả, cứ tản khí, tản AIO và tản nước custom mà phang thôi. Vừa đẹp vừa đủ mát và dễ sử dụng.

Sản phẩm nào cũng vậy, mục đích tối thượng của nó là tạo ra lợi nhuận. Đối với những sản phẩm ít tiềm năng như thế này thì đương nhiên là các hãng sẽ không làm. Họ chẳng dại gì đầu tư cả một dây chuyền sản xuất cho một sản phẩm mà chẳng mấy ai mua.