$ 0.00

Phải làm gì nếu người lạ chuyển nhầm tiền cho bạn? Phải làm sao nếu chuyển nhầm tiền cho người lạ?

 


Chuyện người lạ chuyển khoản nhầm cho bạn, hoặc chuyện bạn vô tình, sơ xuất chuyển khoản nhầm cho người lạ là chuyện hoàn toàn có thật, vậy phải làm sao để xử lý trong những trường hợp này?

Mời các bạn xem video cách xử lý khi có người lạ chuyển nhầm tiền vào tài khoản, hoặc cách xử lý nếu lỡ chuyển khoản nhầm cho người lạ:

Chúng ta sẽ chia ra làm 2 trường hợp, trường hợp 1 là bạn nhận được tiền người lạ chuyển khoản vào.

1. Làm sao khi nhận được tiền từ người lạ chuyển khoản?


Bản thân mình cũng đã từng có người lạ chuyển khoản vào, sau khi xác minh thì mình đã chuyển hoàn lại cho người ta. Thông thường khi có người chuyển khoản vào sẽ rơi vào 2 trường hợp.


Trường hợp người lạ chuyển khoản cho bạn thực ra không hẳn là người lạ, họ có thể là người quen nhưng chuyển nhầm tiền cho bạn vì bạn nằm trong danh bạ chuyển.


Tất nhiên dù là người quen hay người lạ chuyển tiền cho bạn, nếu đó là chuyển nhầm thì bạn tuyệt đối không được rút tiền đó ra sử dụng.


Theo quy định của Pháp luật, số tiền người khác chuyển nhầm đi thì người đó không bị mất quyền sở hữu, số tiền đó chuyển vào tài khoản của bạn cũng không tự nhiên thành tài sản của bạn, và nếu bạn không chuyển hoàn thì bạn đang vi phạm pháp luật.


Nếu người chuyển nhầm là người quen, bạn có thể xác minh với họ và chuyển hoàn lại.


Nếu người chuyển nhầm cho bạn là người lạ hoàn toàn thì bạn cần chờ đợi ngân hàng liên lạc với bạn, hoặc bạn có thể chủ động liên lạc báo với ngân hàng về giao dịch nhầm này.


Sau khi ngân hàng xác minh được người chuyển nhầm, họ sẽ nhờ bạn chuyển ngược lại số tiền bên kia chuyển nhầm, bạn chuyển lại là xong


Môt số điều Không nên làm nếu có người chuyển nhầm cho bạn:

Không nên chuyển hoàn cho người lạ khi không có bên thứ 3 làm chứng, không nên chuyển hoàn vào một tài khoản khác tài khoản đã chuyển cho bạn (thông thường khi nhận tiền liên ngân hàng bạn sẽ không biết được số tài khoản người gởi)

Việc không tự ý chuyển hoàn cho tài khoản lạ khi không có bên làm chứng là để tránh việc sau khi chuyển hoàn, bạn bị chủ số tiền khiếu kiện đòi chuyển, lúc này tình ngay lý gian, bạn có thể sẽ gặp nhiều rắc rối.

Mọi người cần lưu ý có cả hình thức lừa đảo bằng cách "cố ý chuyển nhầm" vào tài khoản nữa. Kịch bản như sau:

Bên lừa đảo (Tạm gọi là L) nắm được thông tin về tên tuổi, số tk và thông tin liên lạc của nạn nhân ( Tạm gọi là V, thường là người bán hàng online hoặc hay mua hàng online chuyển khoản vì thông tin này 2 bên giao dịch trước đó đều nắm được cũng như số lượng giao dịch nhiều khó kiểm tra rà soát).

Bước 1: L sẽ chuyển 1 số tiền nhỏ vào tài khoản V cố ý.

Bước 2: L sẽ đóng giả nhân viên ngân hàng/người chuyển nhầm/ thậm chí là công an gọi cho V để thông báo về việc chuyển nhầm và thủ tục hoàn trả.

Bước 3: Nếu V không cẩn thận và sập bẫy, L sẽ lừa V để lấy thông tin đăng nhập online banking cũng như mã OTP gửi về điện thoại từ đó kiểm soát được tài khoản ngân hàng của V và nhanh chóng rút sạch tiền trong tk và tẩu tán.

Nên nếu có ai chuyển nhầm cho mọi người thì cứ bình tĩnh từ từ kiểm tra xem có đúng họ là người lạ và không liên quan đến công việc của mình không. Sau đó mới làm việc với ngân hàng (phải chắc chắn đó là số tổng đài của ngân hàng nếu gọi điện hoặc chắn ăn nhất là ra trực tiếp chi nhánh NH làm việc trong trường hợp xấu dính dáng tới pháp luật thì có bằng chứng, nhân chứng, camera an ninh là chúng ta đã thực hiện nỗ lực hoàn trả rồi).

***Tuyệt đối không cung cấp mã OTP, tên đăng nhập, password ngân hàng cho bất cứ ai kể cả họ có tự xưng là người thân, bạn bè, nhân viên ngân hàng hay Công an, họ không bao giờ cần các thông tin đó ***

Bạn cũng không được rút tiền này tiêu xài, cũng không nên đòi hỏi tiền hậu tạ khi chuyển hoàn cho bên chuyển nhầm vì có thể bị quy kết là tống tiền.

2. Làm sao khi lỡ chuyển khoản nhầm cho người khác?


Trường hợp chuyển nhầm tiền thì đau đầu hơn, sau khi xác định là đã chuyển nhầm, bạn cần bình tĩnh xử lý

Kiểm tra lại giao dịch xem đã chuyển nhầm cho người quen hay người lạ, có thể giao dịch của bạn là chuyển nhầm cho người quen, bạn có thể liên lạc với họ nhờ họ chuyển lại.


Nếu chuyển nhầm cho người lạ thì phức tạp hơn, bạn cần tập trung các thông tin quan trọng, giấy tờ tùy thân, hình ảnh giao dịch nhầm, số tài khoản đã chuyển nhầm, số tài khoản dự định chuyển đi vv và đến chi nhánh ngân hàng gần nhất để yêu cầu hỗ trợ.


Bạn yêu cầu hỗ trợ việc chuyển khoản nhầm, và cung cấp các thông tin mà ngân hàng cần


Ngân hàng sẽ tiến hành xác minh, xác định người nhận, liên lạc với người nhận và nhờ họ chuyển lại cho bạn


Trường hợp tốt đẹp nhất là họ chuyển ngay cho bạn, chúc mừng bạn, từ nay nhớ cẩn thận hơn nhé!


Trường hợp xấu hơn khi bên kia không chịu chuyển hoàn, bạn cần khởi kiện để lấy lại tiền của mình đã chuyển khoản nhầm:

Theo điều 597, Bộ luật dân sự 2015:

  • Người nào chiếm hữu hay người nào sử dụng tài sản của người khác mà xác định đó không phải là tài sản của họ thì phải tiến hành hoàn trả lại cho chủ sở hữu của khối tài sản đó. Trường hợp không tìm được chủ sở hữu thì tiến hành việc giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trông giữ, bảo quản. Trừ trường hợp được quy định trong điều 236 Bộ luật dân sự 2015.
  • Người nào được lợi về tài sản mà xác định được khối tài sản đó không phải của họ và đồng thời làm cho chủ sở hữu khối tài sản đó bị thiệt hại thì phải tiến hành hoàn trả lại khoản lợi đó cho người bị thiệt hại. Trừ trường hợp được quy định trong điều 236 Bộ luật dân sự 2015.
  • Nếu có một khoản tiền đổ vào tài khoản của mình mà xác định đây không phải là khoản tiền mà mình được nhận thì phải tiến hành hoàn trả lại cho chủ tài khoản đã chuyển cho mình.
  • Nếu không tuân thủ nguyên tắc trên thì đồng nghĩa với việc đó là hành vi không thực hiện nghĩa vụ hoàn trả và hành vi này được xác định đó là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Do đó, đối với hành vi không chịu hoàn trả lại số tiền đã được chuyển nhầm thì sẽ bị xử phạt với các mức sau:
  • Trường hợp sử dụng trái phép số tiền mà biết là được chuyển nhầm thì sẽ bị xử phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng.
  • Trường hợp chiếm giữ trái phép tài sản của người khác mà không chịu chuyển trả lại cho chủ sở hữu thì sẽ bị xử phạt từ 2 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
  • Nếu việc chiếm giữ hay sử dụng tài sản của người khác mà có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội:

Tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác được quy định tại Điều 176, Bộ luật hình sự 2015 đó là người nào biết rõ về tài sản đó không thuộc quyền sở hữu của mình nhưng cố tình không muốn trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp hay không chịu tiến hành giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà giá trị tài sản đó có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng trong khi đã được chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hay cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu được nhận lại tài sản đó thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng.

  • Cùng với đó là phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị áp dụng hình thức phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Nếu xác định được giá trị tài sản chiếm giữ có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên thì sẽ bị áp dụng hình thức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
  • Tội sử dụng trái phép tài sản của người khác được quy định tại Điều 177, Bộ luật hình sự 2015 đó là người nào vì mục đích vụ lợi, biết rõ là tài sản của người khác nhưng vẫn sử dụng trái phép để vụ lợi cho bản thân có giá trị vụ lợi từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị xử lý kỷ luật, hoặc đã bị kết án về tội này tuy nhiên chưa được xóa án tích mà đến nay lại tiếp tục hành vi vi phạm thì sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm hoặc bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm đối với hành vi phạm tội này.
  • Đối với giá trị tài sản từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ 500 triệu đồng thì sẽ bị áp dụng hình thức phạt tiền với mức từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc bị áp dụng hình thức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đối với tài sản sử dụng trái phép có giá trị từ 1 tỷ 500 triệu đồng trở lên thì sẽ bị xử phạt án là từ 03 năm tù đến 07 năm tù.

Chúc các bạn vui và chúc các bạn không rơi vào các trường hợp chuyển tiền nhầm, nhận tiền nhầm.

Lưu ý: Bài viết có tham khảo ý kiến văn phòng luật sư đang hỗ trợ luật cho công ty mình. Tuy nhiên mình không chịu trách nhiệm nếu có sai sót thông tin.

Nguồn: TinhTe.vn