$ 0.00

Làm gì khi máy tính không tìm thấy ổ đĩa khởi động “DISK BOOT FAILURE”!

 

Làm gì khi máy tính không tìm thấy ổ đĩa khởi động “DISK BOOT FAILURE”!

Máy tính của bạn vẫn dùng, hôm nay khi khởi động, thay vì nghe thấy một tiếng beep gọn gàng và màn hình Windows hiện lên, bạn nghe thấy hai tiếng beep liên tiếp và trên màn hình hiện lên hàng chữ cảnh báo: “DISK BOOT FAILURE”. Vấn đề gì xảy ra vậy!

Đây là lỗi không tìm thấy ổ đĩa khởi động. Khi đó cần kiểm tra lại ổ đĩa khởi động chính.

Trong quá trình khởi động hệ thống, máy tính thực hiện một quá trình tự kiểm tra – POST (Power On Self Test) để kiểm tra các thiết bị phần cứng có trong hệ thống. Quá trình này thực hiện theo chương trình đã được nạp trong bộ nhớ ROM – BIOS, thực hiện kiểm tra các thiết bị phần cứng cần thiết cho quá trình khởi động hệ thống và kết quả kiểm tra sẽ thể hiện qua âm thanh hoặc hiển thị bằng chữ trên màn hình.

Nếu việc kiểm tra hoàn thành mà tất cả các thiết bị phần cứng quan trọng đều tốt, hệ điều hành được khởi động và hệ thống chuyển từ sự hoạt động theo các chương trình vào ra cơ sở BIOS sang hoạt động theo các chương trình của Hệ điều hành.

Một bước quan trọng trong quá trình khởi động là việc chuyển từ chương trình BIOS chứa trong ROM – BIOS sang chạy chương trình khởi động Hệ điều hành được chứa trong ổ đĩa cứng. Khi đó, hệ thống phải tìm thiết bị được đặt là ổ đĩa khởi động và thực hiện chương trình khởi động từ đó.

Khi máy của bạn cảnh báo như vậy có nghĩa là hệ thống không tìm thấy ổ đĩa khởi động. Để khẳng định chắc chắn bạn nên vào SETUP để xem hệ thống đã nhận được ổ đĩa chứa chương trình khởi động hay chưa.

Một số nguyên nhân và cách khắc phục khi hệ thống không nhận được ổ đĩa khởi động:

 * Một nguyên rất hay xảy ra đó là sự kết nối ổ đĩa khởi động với hệ thống không tốt. Mỗi ổ đĩa có hai đường kết nối với hệ thống: đường cấp nguồn và đường cáp dữ liệu. Đối với các máy tính hiện nay có hai chuẩn giao tiếp ổ đĩa là ATA và SATA.

Đối với chuẩn ATA, ổ đĩa cứng được cấp nguồn qua Jack 4 chân là các lá đồng cuốn lại nên sau một thời gian bị nới rộng ra, không tiếp xúc tốt dẫn đến không cấp nguồn được cho ổ đĩa. Bạn có thể kiểm tra độ chắc chắn của đầu cắm nguồn, nếu cảm thấy lỏng lẻo có thể dùng đầu tô vít dẹt để nắn lại các chân cắm này.

Mặt khác cáp dữ liệu theo chuẩn ATA là đường cáp giao tiếp song song gồm 40 đường dây (với cáp lụa là 80 dây đấu song song thành 40 dây) nên độ tin cậy kết nối không cao. Khi tháo lắp dây cáp này tuyệt đối không được cầm dây cáp để kéo, phải nắm vào đầu cắm để tháo ra. Sau khi đã kiểm tra đường cấp nguồn vấn không được bạn có thể thay thử cáp dữ liệu, nếu vẫn không được là do nguyên nhân khác.

 Đối với chuẩn SATA, việc kết nối giữa cáp nguồn, cáp dữ liệu và ổ đĩa đã được cải thiện đáng kể, chỉ còn một điểm chưa tin cậy đó là đầu nối từ dây nguồn của bộ nguồn tới cáp nguồn của ổ đĩa. Bạn nên kiểm tra kỹ điểm nối này.

* Nguyên nhân khác có thể xảy ra là có sự tranh chấp giữa các ổ đĩa, nguyên nhân này chỉ xảy ra đối với giao tiếp theo chuẩn ATA. Mỗi dây cáp dữ liệu theo chuẩn này có thể kết nối 02 ổ đĩa cứng. Để tránh sự tranh chấp, bạn cần kiểm tra lại sự thiết lập vai trò của mỗi ổ đĩa. Trường hợp có hai ổ đĩa, một ổ phải được thiết lập là MASTER, một ổ phải được thiết lập SLAVE. Để thiết lập vai trò ổ đĩa phải cắm Jumper theo hướng dẫn trên ổ đĩa 

 * Một nguyên nhân nữa đó là chương trình khởi động của ổ đĩa hỏng hoặc ổ đĩa không được định dạng, hoặc chính ổ đĩa hỏng. Bạn nên sử dụng các chương trình kiểm tra ổ đĩa cứng trong đĩa Hiren’s Boot CD để kiểm tra khẳng định ổ đĩa có hỏng hay không.

* Nguyên nhân cuối cùng và cũng là khó khăn nhất cho bạn đó là cổng giao tiếp trên MainBoard hỏng. Sau khi thực hiện tất cả các thao tác kiểm tra và khắc phục như trên, có lẽ hư hỏng thuộc về Mainboard của bạn, nên mang đến các trung tâm kỹ thuật máy tính để kiểm tra xử lý.

Trong quá trình kiểm tra tìm lỗi bạn nên rất thận trọng và nên dùng các linh kiện thay thử tốt để phát hiện chính xác điểm hỏng và tìm cách khắc phục.

Chúc các bạn thành công!