$ 0.00

Quá nửa doanh nghiệp VN mất dữ liệu do mất thiết bị

 

Quá nửa doanh nghiệp VN mất dữ liệu do mất thiết bị

Tỷ lệ này trên thế giới là 36%. Các nguyên nhân khác gồm lỗi phần cứng, rò rỉ lỗ hổng bảo mật, sai sót do con người...

Dữ liệu do Symantec công bố qua kết quả khảo sát trong năm 2011 về thực trạng quản lý và lưu trữ dữ liệu trong các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu trong đó có Việt Nam.

Theo Symantec, 94% doanh nghiệp tại Việt Nam từng bị mất mát dữ liệu. Trong đó, mất hoặc thất lạc thiết bị là nguyên nhân hàng đầu (chiếm 54%), trong khi mất dữ liệu do tin tặc khai thác lỗ hổng trên website chỉ chiếm 16%. Điều này cũng tương tự với tình hình chung trên thế giới với tỉ lệ tương ứng 36% và 18%. 

Ngày nay, dữ liệu quan trọng của doanh nghiệp có thể nằm trong smartphone của nhân viên, và thiết bị này rất dễ bị bỏ quên hoặc bị cướp, mất trộm. Ảnh: Tmonews.

 

Bên cạnh đó, 68% doanh nghiệp tại Việt Nam cho biết từng bị rò rỉ thông tin quan trọng ra bên ngoài tổ chức.

Mất khách hàng (chiếm 65%), lợi nhuận giảm sút (58%), tổn hại đến uy tín và thương hiệu (53%) và phải hứng chịu khoản tiền phạt nặng nề (38%)... là những hậu quả đến với doanh nghiệp để mất thông tin qua trả lời của khoảng 100 doanh nghiệp tham gia khảo sát tại Việt Nam.

Một thách thức khác nữa là lượng thông tin trùng lắp mà các doanh nghiệp hiện đang lưu trữ - trung bình mỗi doanh nghiệp tại Việt Nam có tới 30% dữ liệu bị trùng lắp.

Những rủi ro và sự thiếu hiệu quả này khiến cho các doanh nghiệp phải chi tiêu nhiều hơn mức cần thiết để lưu trữ và bảo vệ thông tin của họ. Gần một nửa số doanh nghiệp tại Việt Nam thừa nhận họ đang gặp phải khó khăn trong quản lý thông tin do chúng quá lộn xộn – hậu quả của sự tăng trưởng quá mức của thông tin mà không được quản lý phù hợp, khó truy nhập và thường có bản sao trùng lắp ở đâu đó.

Ông Alex Ong, giám đốc Symantec tại Việt Nam cho rằng “Tại Việt Nam, sự bùng nổ nhanh chóng của thông tin số là không thể tránh khỏi do các tổ chức ứng dụng những công nghệ mới ngày càng nhiều. Và khi các tổ chức trong nền kinh tế số sử dụng thông tin họ tạo ra mỗi ngày để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn cũng như nâng cao hiệu suất hoạt động thì lượng thông tin này cũng có thể trở thành gánh nặng lớn nếu không được quản lý và bảo vệ đúng cách.”

Alex Ong đã đưa ra 5 vấn đề nên lưu ý khi quản lý thông tin trong doanh nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh quan điểm "Tập trung vào thông tin thay vì trung tâm dữ liệu hay thiết bị". Theo Ong lý giải, với xu hướng BYOD (nhân viên sử dụng thiết bị cá nhân tại môi trường làm việc) và xu hướng điện toán đám mây, thông tin sẽ không chỉ được lưu trữ sau bốn bức tường doanh nghiệp, do vậy việc bảo vệ cần tập trung vào thông tin chứ không phải là thiết bị hay trung tâm dữ liệu. Nghĩa là doanh nghiệp cần có chính sách truy cập cho từng loại thông tin, như vậy, dù thông tin được lưu trữ ở đâu cũng vẫn có quy định chặt chẽ cho việc tiếp cận nó.

5 vấn đề nên lưu ý khi bảo vệ dữ liệu:

  • Tập trung vào thông tin thay vì trung tâm dữ liệu hay thiết bị.

  • Không phải mọi thông tin đều như nhau: cần phải phân loại và chia tách những thông tin dư thừa, trùng lặp, không cần thiết ra khỏi những thông tin kinh doanh có giá trị để từ đó có biện pháp bảo vệ phù hợp.

  • Chú trọng hiệu quả: Công nghệ chống trùng lắp dữ liệu và lưu trữ giúp các doanh nghiệp bảo vệ được nhiều hơn và lưu trữ ít hơn, đảm bảo khả năng bắt kịp tốc độ tăng trưởng dữ liệu của thông tin.

  • Nhất quán là chìa khóa quan trọng: Một điều quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu tâm đó là thiết lập những chính sách nhất quán đối với thông tin cho dù thông tin được đặt ở đâu đi nữa - trong môi trường vật lý, ảo hóa hay điện toán đám mây.

  • Luôn luôn linh hoạt: Lên kế hoạch để đáp ứng nhu cầu thông tin tương lai của bạn bằng cách triển khai một hạ tầng linh hoạt để đáp ứng xu thế dữ liệu thông tin tăng trưởng liên tục.

    Alex Ong, Giám đốc Symantec tại Việt Nam
     

  •