$ 0.00

Gia dụng không dây: những bước tiến mới

 

Gia dụng không dây: những bước tiến mới

Dù chưa được phổ cập như với máy tính và điện thoại, nhưng mảng thiết bị gia dụng đang dần được các hãng quan tâm hơn trong việc "giải phóng" dây dẫn.
“Cảm biến” dần phổ biến

Những gì mà công nghệ điều khiển không cần dây sử dụng cảm biến đặc biệt là cảm biến chuyển động đã làm được với một số thiết bị gia dụng hiện tại (tủ lạnh, ti-vi, quạt, máy chơi game…) cho thấy, công nghệ này đang được người dùng chấp nhận và đã có một chỗ đứng vững chắc.

Thật đơn giản khi bạn chỉ cần phất nhẹ tay trong không khí để bật quạt, ti-vi tự động mở khi “thấy” chủ nhân đang đứng phía trước, chơi game với các động tác như thật với Xbox Kinect…

 

Thử tưởng tượng, thay vì phải đến bên cửa sổ hoặc dùng remote để kéo rèm cửa che nắng thì với một bộ cảm biến ánh sáng hoặc nhiệt độ được gắn vào mô-tơ của rèm cửa, tất cả sẽ tự động. Ban ngày, căn nhà sẽ luôn tràn ngập ánh sáng tự nhiên nhờ các cảm biến đo cường độ và lượng ánh sáng tự nhiên gắn ở nhiều vị trí liên kết với hệ thống động cơ của rèm cửa để kéo rèm hợp lý.

Đèn chiếu sáng sẽ tự động bật khi cảm biến ghi nhận ánh sáng tự nhiên thiếu sáng đúng lúc đang có người hoạt động trong phòng, độ sáng cũng được tự điều chỉnh phù hợp với điều kiện sáng hiện tại. 

Công nghệ cảm biến đã lan rộng từ những thiết bị điện tử gia dụng đến những thiết bị khác trong căn nhà, kể cả những thiết bị trong phòng tắm. Vòi rửa với cảm biến giúp tự động chuyển đến các chế độ rửa khác nhau, hệ thống sấy khô trong nhà với điều khiển dựa trên cảm biến nhiệt tích hợp chức năng khử mùi, bảng điều khiển không dây…

Nhà thông minh không dây 

“Đội quân” Android đang tăng cường nhập “hồn” những thiết bị điện tử gia dụng. Đây là dấu hiệu đáng mừng không chỉ với Google mà cho cả những người dùng cuối. Có thể tới đây chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng mới với thiết bị gia dụng thông minh, như đã từng kỳ vọng vào smartphone Android hơn 4 năm trước và nay đang trở thành sự thật.

Không dừng ở những thiết bị, sản phẩm riêng lẻ, công nghệ không dây đang phát triển mạnh cho những giải pháp và hệ thống sản phẩm gia dụng. Chẳng hạn như những công nghệ không dây cho tổ hợp thiết bị trong gia đình, từ tủ lạnh, máy giặt, TV, đầu đĩa… cho đến hệ thống chuông cửa, an ninh trong nhà thông minh.

Nếu trước đây, nói đến công nghệ điều khiển được áp dụng cho các thiết bị trong ngôi nhà, người ta thường nghĩ ngay đến PLC hay X10 – một công nghệ đã có từ những năm 80 của thế kỷ 20, nhưng giờ đây mọi chuyện đã khác với những chuẩn không dây mới cho nhà hiện đại. Đó là Z-Wave, Insteon và Zigbee:

Z-Wave (thuộc hãng Zensys) sử dụng sóng vô tuyến để điều khiển các thiết bị trong nhà tự động. Z-Wave dùng các vi mạch điều khiển để nhận và truyền tín hiệu trên tần số 900MHz. Các sản phẩm gia dụng tích hợp công nghệ này khá nhiều, chẳng hạn như của các hãng SmartHome, HomePro, Sylvania, HomeSeer... Nhược điểm của Z-Wave là có giá đắt hơn khá nhiều so với sản phẩm dùng X10. Tuy nhiên, hệ thống dùng Z-Wave có độ tin cậy hơn so với những hệ thống kiểm soát tự động khác vì sử dụng cơ chế hoạt động giống một mạng nội bộ.

Insteon là công nghệ sử dụng giao thức không dây 2 băng tần mạng, tập trung vào các ứng dụng băng thông rộng. Ứng dụng của Insteon khá rộng rãi, ngoài khả năng theo dõi và điều khiển từ xa hệ thống ánh sáng trong nhà, nó còn áp dụng vào hệ thống cảnh báo an ninh, cửa ra vào, cảm biến đo các thông số mực nước/độ ẩm/nhiệt độ, điều khiển hệ thống lò sưởi và máy lạnh, giải trí trong nhà và tiết kiệm năng lượng...

 

Điều khiển thiết bị gia dụng với cảm biến chuyển động đang dần phổ biến.

 

Ưu điểm của Insteon là người dùng có thể điều khiển mà không cần sử dụng đến máy tính và có tính bảo mật cao vì tất cả các tín hiệu truyền dẫn đều được mã hóa. Tuy nhiên, nhược điểm của các sản phẩm Insteon là có mức giá cao hơn X10, nhưng việc dùng công nghệ này để điều khiển hệ thống chiếu sáng trong nhà là một lựa chọn hiệu quả.

ZigBee là công nghệ sử dụng giao thức không dây băng tần đơn. Công nghệ này là tập hợp các giao thức giao tiếp mạng không dây khoảng cách ngắn có tốc độ truyền dữ liệu thấp. Hầu hết các thiết bị Zigbee dùng chuẩn không dây IEEE 802.15.4 hoạt động trên 3 dãy tần số là 868MHz, 915MHz và 2.4GHz.

 

Ưu điểm của Zigbee là tích hợp công nghệ mã hóa 128-bit và có nhiều tính năng bảo mật nên hệ thống điều khiển sử dụng công nghệ này ít có nguy cơ bị xâm nhập. Ngoài ra, ZigBee tiêu tốn khá ít năng lượng và chi phí đầu tư không cao nên hiện đang được quan tâm và phát triển.

Nhìn chung, các công nghệ không dây cho thiết bị gia dụng đang có những hướng đi rõ ràng và có những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, chính sự phức tạp của nó đã khiến cho người dùng lờ đi những giá trị, hiệu quả thực tế mà nó mang lại. Do đó, các nhà sản xuất cần có cách nào đó làm đơn giản hóa những công nghệ này để chúng trở nên gần gũi như Wi-Fi, Bluetooth và dễ dàng đến với người sử dụng hơn. 

Wi-Fi và Bluetooth “phủ sóng” rộng hơn

Với hai chuẩn kết nối này, toàn bộ những thiết bị gia dụng trong căn nhà sẽ trở nên một thể thống nhất và có thể điều khiển mọi lúc, mọi nơi. Xu hướng này đang ngày càng phát triển và lan rộng đến nhiều thiết bị trong gia đình.

 

Dù chưa được “phổ cập không dây” như với máy tính và điện thoại, nhưng mảng thiết bị gia dụng đang được các hãng sản xuất quan tâm đặc biệt để chúng ngày càng tiện dụng hơn.

Máy nghe nhạc, đầu đĩa phát âm thanh qua loa Bluetooth, hệ thống giải trí có thể chia sẻ nội dung và điều khiển lẫn nhau qua mạng Wi-Fi, những chiếc TV thông minh, đầu Blu-ray… tích hợp Wi-Fi có thể lướt web hay nghe nhạc trực tuyến... Tất cả những điều này đang trở thành tiêu chuẩn của một căn nhà hiện đại.

Những kết nối không dây như Wi-Fi hay Bluetooth không chỉ dừng lại ở những thiết bị giải trí trong nhà, mà đã vươn tới các thiết bị gia dụng, như chiếc tủ lạnh Samsung giới thiệu tại triển lãm CES hồi đầu năm. Ngoài chức năng truyền thống, tủ lạnh còn đảm nhận như một chiếc máy tính hỗ trợ kết nối không dây, có khả năng xem thời tiết, đặt lịch đi chợ, quản lý đồ ăn, lướt web…